Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

NGÔ THÁI VÀ NHỮNG LÁT THƠ LÒNG - THU HÀ (PHÚ THỌ)


(CẢM NHẬN QUA ĐỌC TẬP THƠ: " NGÔ THÁI - THƠ & BẦU BẠN" CỦA NGÔ THÁI.
Thu Hà.

Tôi gặp anh vào một ngày đầu mùa hạ, khi những cánh phượng đầu tiên chớm lửa vào không gian. Tôi được nghe tên Ngô Thái đã lâu, ngưỡng mộ anh với chất lính qua trường ca “Con Lạc cháu Hồng trên đỉnh Pa Pông”, song tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được tiếp xúc với anh, nhất là sau khi đọc tập “Ngô Thái - Thơ và bầu bạnTôi thực sự lạc vào một vườn thơ mà ở đâu tôi cũng tìm thấy cái mặn mòi của đất, cũng ngan ngát sắc hoa đời và ngọt lành vị quê của tình người Đất Tổ. Chất men trong thơ Ngô Thái như những lát cắt về thời gian, không gian đã gắn kết những trái tim, những người bạn ở muôn phương, chất men nồng dịu ấy đã tạo nên sự đặc biệt của tập thơ trên tay tôi lúc này. Họ là nguồn cảm hứng để tác giả cho ra đời tập “Ngô Thái - Thơ và bầu bạn”.
Tôi lật từng trang trong tập thơ này, mỗi bài, mỗi câu là một lát thơ lòng! Những lát thơ ấy khi thì sắc ngọt, rạng ngời, khi thì xót xa, trăn trở, lúc day dứt, bâng khuâng… Phải chăng cái bở thơm của sắn, mật ngọt của khoai, vị chát đậm đà của búp chè xứ sở là khởi nguồn nuôi dưỡng một trái tim thơ đầy nhiệt huyết mà nặng trĩu tình yêu quê hương? Hẳn không phải ngẫu nhiên mà mỗi vần, mỗi câu anh viết về quê hương lại da diết đến vậy:
“Bát canh cua. Đĩa dưa cà
Vị quê đau đáu đậm đà xiết bao!
Bước đi dù ở phương nào
Minh Nông mùa ấy hanh hao hẹn về!...”
(Trích Hương quê)
Mỗi chúng ta ai cũng có quê hương, nơi chất chứa kí ức tuổi thơ trong vòng tay yêu thương của ông bà, cha mẹ. Một cánh võng dặt dìu trưa hè, một lời ru dịu ngọt, một vườn cây xanh lá, một làn gió ngát hương đồng nội… Tất cả “vị quê đau đáu” đó trong thơ Ngô Thái dung dị như chính con người anh:
“Ầu ơ, cánh võng thân thương,
Vườn xanh… nhài thoảng. Ngát hương gió hè!...”
(Trích Tình quê)
Tôi tự hào là một người con của quê hương Đất Tổ, tôi vinh dự là lớp hậu duệ của các thế hệ cha anh đi trước, trong đó có nhà thơ Ngô Thái. Tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường trong cam go, khốc liệt trên đỉnh Pa Pông ngày xưa ấy như vẫn còn đây, thổi vào bầu trời, vào tán lá miền trung du để quê tôi bừng lên một sức sống mới mãnh liệt đến vô cùng:
“Trung du trời xanh thẳm
Ngút ngàn cọ xoè ô
Sương long lanh, chót lá
Mắt ai cười mộng mơ!”
Để rồi:
“Gọi ong về xây tổ
Gom mật ngọt cho đời!...”
(Trích Một thoáng trung du)
Có thể nói, quê hương đã quyện vào máu, vào thịt da của người con trai Đất Tổ: Ngô Thái. Với anh, quê hương không chỉ là bến nước, bờ tre, quê hương không chỉ là cánh võng, hương nhài… mà quê hương được nhắc đến tinh tế đến nhuần nhuyễn: “Mới nghe Xoan - Ghẹo đã mơ hội làng” (Trích Nhớ câu Xoan - Ghẹo). Mặc dù không một từ ngữ nào miêu tả nhưng tôi tin là hội làng trong thơ Ngô Thái tình hơn những hội làng khác, không phải vì có câu Xoan, câu Ghẹo, không phải vì bóng thôn nữ với áo tứ thân mà vì hội làng luôn hiện diện trong trái tim anh, bất cứ lúc nào cũng có thể “mơ” về nó với nỗi niềm da diết. Những lát thơ lòng dành cho quê hương như nằm sẵn trên dây đàn, chỉ cần chạm nhẹ vào là rung lên những thanh âm, những cung bậc độc đáo:
Sang thu, vạn vật dường như đã nhuốm màu của mùa mới. Ấy thế mà Ngô Thái vẫn cảm nhận được sự dùng dằng, luyến lưu của cái gạch nối hai mùa, một lát thơ lòng tinh tế, nhạy cảm với từng trạng thái của thiên nhiên: “Sương chưa đọng giọt trên cành” để rồi bị hút hồn vào vẻ đẹp đó tự lúc nào không hay!
“Lá vàng phủ kín nương đồi
Mây quang, xanh cả khoảng trời thẳm xanh
Sương chưa đọng lại trên cành
Mà ai đã hút hồn anh lúc nào?”
(Trích Thu)
. Tôi đã từng choáng ngợp cùng “Đường ra trận mùa này đẹp lắm…” của nhà thơ Phạm Tiến Duật thì giờ đây tôi lại gặp khí thế hừng hực của “Hành khúc thanh niên xung phong” trong thơ Ngô Thái. Trong hồi ức về những năm tháng khốc liệt ấy, tôi vẫn thấy bay lên một làn điệu Xoan thân thuộc của quê hương:
“Câu hát Xoan quyện hương gió mênh mông
Dệt vào con đường… những vần thơ câu hát
Đèo Mường Liệt sương giăng lạnh buốt
Ngầm Na Khao, suối lũ ào ào
Không quản mưa tuôn
Nắng cháy mái đầu
Phá đá mở đường
Xây cầu vượt thác…”
(Hành khúc Thanh niên xung phong)
… Những tưởng chỉ có đạn bom của chiến tranh, chỉ có cuốc xẻng, mồ hôi và từng xăng ti mét đất thấm đẫm máu xương của đồng đội… song tôi sững lại khi gặp vần thơ đằm thắm, dịu dàng. Giữa sự sống và cái chết, Ngô Thái vẫn dành lời thơ mộc mạc, chân thành, chia sẻ cùng những nữ thanh niên xung phong:
“Anh mong ngày giải phóng đến nhanh
Để em được làm duyên con gái
Bưởi nhiều hoa tha hồ em hái
Bồ kết trên cây mẹ đợi em về…”
(Trích Hy sinh thầm lặng)
Đối với người con gái thì “Hàm răng, mái tóc là góc con người”, nỗi xót xa khi nhìn mái tóc của nữ đồng đội rụng ngày một nhiều đã khiến trái tim Ngô Thái nghẹn ứa: “Trái tim anh như có ai bóp nghẹt…”. Tôi rưng rưng khi đọc những dòng thơ này… Và rồi đến hôm nay, tôi vẫn thấy trái tim anh thổn thức: “Chỉ mình anh hoài niệm mái tóc xanh…!”.
Trong ngày kỷ niệm 40 năm thành lập đội TNXP 253 anh hùng, nhà thơ, đồng thời là người trong cuộc đã dành riêng lát thơ lòng cho đồng đội: “ Đồng đội thân yêu ơi! Khi chúng ta mừng vui đến rơi nước mắt/ Chết lặng trong tim… nhớ những người đã khuất…/ Cánh rừng xa đất Mẹ các anh nằm…/ Hãy về đây gặp mặt bốn mươi năm” (Trích Hương hoa rừng xưa). Mỗi câu thơ là một nén tâm nhang ông hướng về đồng đội!
Ngô Thái không chỉ là người con trung nghĩa của quê hương mà còn là một người con hiếu thảo trong gia đình. Phải nói rằng, ông đã quặn lòng để cắt những lát thơ gần gũi, đời thường mà chất chứa trong đó những giọt nước mắt yêu thương:
“Bùi ngùi nhớ tới Mẹ Cha
Bữa cơm mùa gặt gọi là có thôi
Con đông - sắn ghế đầy nồi
Bữa thường chỉ một lần xơi gọi là…!
Giờ Cha Mẹ đã đi xa
Gạo thơm, cơm mới ngậm mà khó trôi!”
(Trích Bùi ngùi)
Ngô Thái đã đưa tôi đi từ ngỡ ngàng này đến bất ngờ khác, đọc thơ anh, tôi luôn tìm thấy sự mới lạ trong từng cung bậc tình cảm. Tôi thổn thức theo “Nén hương trầm” để cùng anh “Vượt qua bờ âm dương cách trở”… Ở đó, tôi gặp một người phụ nữ hoàn hảo qua tài khéo léo tả cảnh lồng xen tả tình của tác giả:
“Anh nợ em cả cuộc đời tất tả
Suốt bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông”
(Trích Nợ em…!)
Và: “ Người con gái tôi yêu thời son trẻ
Mãi mãi là trái ngọt của đời tôi”
(Trích Bốn mùa và tình yêu)
Trái ngọt đó không phải ai cùng nhìn nhận thấy, cái tất tả bốn mùa đó không phải ai cũng biết nhưng biết rồi không phải ai cũng diễn đạt được bằng lời thơ. Ngô Thái không chỉ đơn thuần cảm nhận thấu đáo, yêu thương, chia sẻ với người phụ nữ của đời mình mà mỗi lời thơ ông viết dường như cũng đã chìa vai gánh cùng người phụ nữ thân yêu những vất vả, lo toan của cuộc sống. Trong Ngô Thái, tình cảm gia đình như một dòng sông mênh mang, vĩnh cửu. Ông dấu những thâm trầm dưới dòng sâu, ông dõi theo các con bằng tình cảm ân cần, chăm chút, vỗ về như ngàn con sóng nhỏ khôn nguôi vỗ bờ:
“Cha không giàu để cho con của cải
Chỉ có tình Cha để lại qua thơ”
( Trích Tặng con)
Chỉ bấy nhiêu thôi người đọc đã thấy cả một kho báu vô giá mà ông đã chắt chiu, góp gom cả cuộc đời dành cho không chỉ những đứa con yêu của mình mà dành cho cả lớp hậu thế nói chung. Kho báu ấy không gì đánh đổi được, bởi nó là những lát thơ ông cắt từ chính trái tim tràn ngập yêu thương của mình, những lát thơ ấy thấm đẫm mồ hôi cực khổ, thăng trầm, thấm cả nước mắt của người đàn ông “Gồng lưng … nuôi con khôn lớn”:
“Cánh cò bay nghiêng ngả
Chở nắng vàng qua sông
Chở nước mắt lưng tròng
Người Cha hiền thức dạ…”
(Trích Tình Cha)
Yêu thương gia đình nhất mực song Ngô Thái không quên quan tâm chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Người đọc sẽ gặp một trái tim nhân hậu, một sự cảm thông sâu sắc và một nỗi day dứt không phải nhà thơ nào cũng có được:
“Thương em… thiệt thòi số phận
Mang theo khuyết tật suốt đời
Nỗi đau tâm hồn trĩu nặng
Lòng ta day dứt khôn nguôi…”
(Trích Thương em)
Đọc thơ Ngô Thái, nếu không gặp anh trước, hẳn tôi nghĩ vần, điệu này là của một thi sĩ trẻ tuổi. Bên cạnh những lát thơ lòng thâm trầm, sâu lắng như cuộc đời anh, tôi luôn thấy lấp lánh sự trẻ trung, yêu đời trong từng câu, từng chữ. Ngô Thái được bầu bạn nhận xét là một người tâm hồn không có tuổi không hẳn vì tinh thần lạc quan của con người anh mà bởi thơ anh tình đến là tình. Với cách viết hồn hậu tự nhiên không gượng ép, dường như những cháy bỏng khát khao của tình yêu thời trai trẻ, khi mà: “Khát vọng yêu thương ngập tràn hạnh phúc/ Phải nhường lại cho tình yêu đất nước” để lên đường chiến đấu ngày xưa ấy, giờ đây vẫn không hề phôi pha chút nào:
“Quặn lòng từ sâu thẳm
Thành con sóng bạc đầu
Trời cao xanh có thấu
Biển và bờ khát nhau…”
(Trích Khát)
Có lúc thơ Ngô Thái mãnh liệt như sóng trào, có lúc lại như trăm ngàn ngọn lửa khiến ai đó đứng ngồi không yên:
“Lần đầu mới gặp đã quen
Ra về nhớ cặp mắt đen… hút hồn
Chiều buông… ráng đỏ hoàng hôn
Lòng sao bỗng thấy bồn chồn… lạ không?”
(Trích Xao lòng)
Trong thơ Ngô Thái, đôi mắt được nhắc đến nhiều song ở mỗi bài tôi đều thấy ánh lên những nét đáng yêu riêng để rồi đôi mắt ấy khiến ông: “Gió trăng chểnh mảng, nỗi niềm chênh chao…” (Trích Nỗi nhớ).
Ngô Thái vốn gắn bó với thiên nhiên, vạn vật quanh mình.. Trăng vào thơ anh tự khi nào có lẽ chỉ có mình nhà thơ biết nhưng rõ ràng cách anh trò chuyện với trăng là cách nói của những người bạn đã thân thiết tự lâu rồi:
“Hỏi trăng có nhớ ta không
Phòng đơn lẻ bóng, rộng lòng đón trăng…”
(Trích Tâm sự cùng trăng)
Tôi liên tưởng đến một câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khung cửa ngắm nhà thơ”… Rõ ràng tôi lại gặp ở Ngô Thái cái cốt cách ung dung, tự tại của con người đi theo lý tưởng mà Bác Hồ đã chọn. Không ồn ã, phô chương, thơ anh cũng bình dị như con người anh vậy. Song đằng sau mỗi dòng thơ chất chứa tình người ấy là cả một quá trình chiêm nghiệm, những triết lý được tác giả chắt lọc từ cuộc đời mình:
“Đời người nếu chưa từng lên núi
Sao thấy đất trời rộng bao la…”
(Trích Cảm tác Sa Pa)
Ngô Thái cảm nhận được cái bao la của đất trời bởi ông mở trái tim hoà cùng trời đất. Một Ngô Thái đầy nhiệt huyết và nặng trĩu tình yêu thương, một Ngô Thái với thế giới quan khoa học, nhìn cuộc sống bằng các góc độ, đường nét, mảng khối và màu sắc phong phú nên lời thơ của anh thật trẻ trung so với độ tuổi của anh:
“ Ước gì là biển biếc
Ôm bình minh vào lòng”
(Trích Lời của sóng)
Chất thơ phóng khoáng, lạc quan ấy và nét đẹp trong văn hoá sống của nhà thơ Ngô Thái là sức hút đưa bầu bạn muôn phương về bên anh. Từ những bạn quê: “Rượu nút lá chuối, tay choàng cụng ly” đến bạn thơ, bạn tri kỷ, bạn thông qua mạng Internet… nhà thơ đều dành cho họ sự chân thành, thân thiện và cởi mở:
“Những người bạn trào dâng nỗi nhớ
Đến với nhau bằng tấm lòng rộng mở
Tay nắm tay thắm đượm tình người
Trên bờ môi, đẹp những nụ cười
Mắt rạng ngời…thay bao lời muốn nói”
(Trích Hội Offline mùa thu 2012)
Ngô Thái là một “Bến tình thơ” và để có một “Bến tình thơ” như thế, vượt lên trên tất cả là tình yêu anh đã dành cho thơ. Anh bộc bạch: “Tôi nuôi tâm hồn thơ/ Bằng khát vọng ước mơ/ Bằng tình yêu say đắm/ Bằng đợi chờ đằm thắm…” (trích Hồn thơ). Quả là một tình cảm mãnh liệt như tình yêu đôi lứa vậy!
Tôi không viết lên đây những cảm nhận, những chia sẻ của bầu bạn Ngô Thái từ muôn nơi gửi về bởi mỗi trang thơ anh viết là một nhịp cầu gắn kết những trái tim gần lại bên nhau.. Đó là món quà vô giá mà không phải ai ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” như nhà thơ cũng có được và tập thơ này cũng chính là món quà tinh thần anh dành tặng bầu bạn muôn phương.
Trang cuối cùng của tập “Ngô Thái - Thơ và bầu bạn” đã khép lại bằng ngọn lửa trong trường ca “Con Lạc cháu Hồng trên đỉnh Pa Pông” (Bài bình của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải) song tôi vẫn thấy ngọn lửa ấy vượt qua giới hạn của tập thơ, vượt qua không gian, thời gian toả lung linh trong dư âm của từng lát thơ lòng Ngô Thái. Trong cái bộn bề của công việc, giữa nhịp sống đang trào dâng không ngừng đổi mới của thời đại, tôi vẫn nhận ra anh bởi ngọn lửa rất riêng được nhà thơ chắt chiu, nâng niu, tỉa gọt vào từng bài thơ ý vị. Ngô Thái - một trái tim nhân hậu! Dường như anh đã khéo léo xén, xẻ những rung cảm trong tim thành những lát thơ, lát nào cũng tràn đầy nhiệt huyết. Nhiệt huyết ấy truyền cho chúng tôi, không phải bằng lời giáo huấn mà bằng tính nhân văn và tân văn trong “Niềm tự hào… chất lính vẫn không phai”. Những lát thơ lòng ấy đã và sẽ còn lan toả giữa bao la tình đất, tình người.
Phú Thọ, 15/6/2013
T.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]