Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

CẢM ĐỀ XƯỚNG HỌA ĐƯỜNG THI CỦA 2 BẠN THƠ: QUẾ HẰNG - NGÔ THÁI ( Nhà giáo: Phan Chúc)



I-Từ những câu thơ xuất thần của một tâm hồn đa cảm, giàu nhân văn và nữ tính: Quế Hằng.

Đọc chùm thơ Xướng họa của 2 thi bút giầu thi cảm, thi tứ đồng điệu và tri âm, tôi rất trân trọng những vần thơ, câu thơ đầy sáng tạo ngôn từ và sâu xa ý tứ được ký thác. Trước hết, nói tới chùm thơ Xướng của của Quế Hắng, trong đó tôi rất quí những vần thơ trong bài; “ĐÂU TRI KỶ”, vươn tới “thần bút”:
“Kiếm ngọc đào tan mấy quả núi
Tìm vàng vét cạn mấy dòng sông”
(Đâu tri kỷ)

Một việc làm trong muôn vạn việc làm giữa đời là “kiếm ngọc - tìm vàng”, kỳ công tới mức “đào tan mấy quả núi - vét cạn mấy dòng sông”. Vậy mà chưa và có thể không tìm được.! Từ đó mà liên tưởng tới tìm tri âm tri kỷ giữa biển đời vô tận, mênh mông và thẳm sâu vô lường thì thật là một liên tưởng tuyệt vời!. Cho thấy, tầm của người thơ và việc tìm tri âm tri kỷ thơ cũng thật là kỳ công ở đời. Thế mới biết có được sự hòa điệu tâm hồn, tương cộng về tri cảm thật là quý hóa. Hai chữ tri âm và tri kỷ đúng nghĩa của nó thì “núi ngọc, sông vàng” nào sánh được?.

- Trong bài “CHỚ ĐỂ” và “CÔ ĐƠN 2”, ta gặp những câu thơ trĩu nặng nỗi niềm tâm trạng:
“Em chờ chờ mãi…xanh bờ đá
Anh vắng vắng hoài… đỏ trái cau”
(Chớ để)

Chờ đến xanh bờ đá và đỏ trái cau thi thật là một sự chờ đợi dồn nén sức nặng khôn lường, khó có từ nào hơn thế, mà ngôn từ cũng như hình ảnh trong ngữ cảnh tương sinh, tương phản thật kỳ diệu. Chính cái sự đối chọi ấy làm nổi bật lên ý tưởng về sự chờ đợi, mong ngóng… tới mức đá cũng đổi mầu, và cau thì đổi sắc.

Từ ngàn xưa người ta nói đến trầu cau là nói đến tình duyên, đến gắn kết… vậy mà trong thơ Quế Hằng nói về sự chờ đợi lâu dài mỏi mòn tới mức “ đỏ trái cau” thì thật sự là một sự chờ đợi quá mỏi mòn từ một tâm hồn cháy bỏng khát khao…

- Tới cảnh cô đơn trong bài “CÔ ĐƠN 2”, thì tình cảnh càng đáng thương đáng cảm xiết bao:
“Cô đơn đến thế, tái tê lòng
Mong bạn gọi hoài nổi bão giông”.
(Cô đơn)

Cô đơn đến mức “tái tê lòng” mong bạn tới mức “nổi bão giông”, thiển nghĩ khó có ngôn từ nào diễn tả được ý tứ hơn thế, và buồn chán đến mức:
“Thùng thư trắng bệch không ai khoắng
Điện thoại vàng khè chẳng kẻ trông”

Cũng không còn gì diễn tả hơn thế. Tôi nhớ lại hình ảnh người phụ nữ trông chồng trong Chinh phụ ngâm xưa, có những hình ảnh thật xúc động, diễn tả sự đơn côi và chán ngán: “Biếng cầm kim, biếng đưa thoi/ Oanh đôi ngại dệt, bướm đôi ngại thùa/ Mặt biếng tô, miệng càng biếng nói/ Sớm lại chiều dòi dõi nương song/ Nương song luống ngẩn ngơ lòng/ Vắng Chàng điểm phấn, trang hồng với ai”.?

II- Đến những vần thơ đối Họa của Ngô Thái với thi bút Quế Hắng.

Đọc những vần thơ của Quế Hằng ý tình gửi gắm qua chùm thơ Xướng. Ngô Thái, thi bút nhạy cảm và tinh tế đã cảm thông thấu thấm nỗi lòng của bạn, anh gửi ý tứ trong những lời họa thật tế nhị:
“Biền biệt người đi vàng lá nhót
Mỏi mòn kẻ đợi úa buồng cau”.

Anh chọn 2 hình ảnh đối chọi “Vàng lá nhót - Úa buồng cau”, thật thích hợp với nỗi lòng bạn thơ, từ đó mà nhắn bạn:
“Xa xôi là mấy đừng phai sắc,
Cách trở bao nhiêu chớ nhạt mầu”

Nghĩa là anh nhắn nhủ tri âm nén lòng chờ đợi và giữ gìn tất cả cho nhau, để đừng “phai nhạt”. Phải chăng đó chính là sự tự thắng hoàn cảnh và vượt lên chính mình.?
Trong bài họa: Y đề - Nguyên vận “Cô đơn 2” Ngô Thái đã viết những dòng hết sức chân tình:
“Lẻ bóng thương ai đến cháy lòng
Những mong bù đắp… cuộn trời dông”

Để từ đó dẫn tới 2 câu luận thật nỗi niềm:
“Vắng bóng người thương chờ khắc khoải
Xa hình tri kỷ nhớ mòn trông

Và dẫn tới kết
Ngõ sâu cỏ rậm ai người tới?
Phố rộn người đi vẻ thong dong

Khi họa bài “Đâu tri kỷ” đối lại cặp câu của Quế Hằng ý mạnh mẽ quyết liệt:
“Kiếm ngọc đào tan vài quả núi
“Tìm vàng vét cạn mấy dòng sông”

Ngô Thái lại đối lặp 2 hình ảnh rất nhẹ nhàng mà sâu lắng:
“Thuận gió chèo êm thuyền cặp bến
Xuôi dòng mát mái sáo sang sông”.

Nghĩa là tìm được tri âm tri kỷ rồi thì mãn nguyệt “thuyền cặp bến” và “sáo sang sông” .! Từ đó tác giả thỏ thẻ an ủi tâm tình:
“Tri âm đâu dễ mong là gặp
Gửi tấm lòng son có nhận không”.?

Hẳn là Quế Hằng sẽ rất xúc động trước tấm chân tình roi rói ánh son của người bạn tri âm thơ, tri kỷ lòng Ngô Thái.?

Xin mừng 2 bạn có những vần Xướng - Họa tâm đắc, tế nhị - Những vần thơ tuyệt bút đáng quý.!


Bài Xướng 1 của Quế Hằng:

ĐÂU TRI KỶ
Biết sẻ cho ai cái nõi lòng
Mà đem rao bán chốn ba đông
Kẻ qua nhếch mép cười tưng tửng
Người lại trề môi cợt lạnh lùng
Kiếm ngọc đào tan vài quả núi
Tìm vàng vét cạn mấy dòng sông
Một đời lận đận đâu tri kỳ?
Chí một thôi mà liệu có không.?


ĐÂU TRI KỶ

Họa: Y đề nguyên vần của Ngô Thái:
Đồng cảm ai ơi một cõi lòng
Trải bao năm tháng nỗi sầu đông
Chiều tà muốn có ai chia sẻ
Bóng xế không mong kẻ lạ lùng
Thuận gió chèo êm thuyền cặp bến
Xuôi dòng mát mái sáo sang sông
Tri âm dâu dễ mong là gặp?
Gửi tấm lòng son… có nhận không ?





Bài Xướng 2 của Quế Hằng:
CHỚ ĐỂ
Ta đã xa nhau tính đã lâu
Trong lòng thắt mối một niềm đau
Em chờ chờ mãi xanh bờ đá
Anh vắng vắng hoài đỏ trái cau
Có thể đường xa thành nhạt sắc
Hay vì dặm thẳm hóa phai mầu
Tiếng yêu chớ để ra lời hận
Ôm tủi chuốc sầu mãi về sau.


CHỚ ĐỂ
Họa: Y đề nguyên vận của Ngô Thái:
Nhớ mong xa cách đã bao lâu
Chôn chặt đáy lòng nỗi buồn đau
Biền biệt người đi vàng lá nhót
Mỏi mòn kẻ đợi úa buồng cau
Xa xôi là mấy đừng phai sắc
Cách trở bao nhiêu chớ nhạt mầu
Son sắt một đời lòng không đổi
Mong tình duyên thắm cả mai sau.!

Bài Xướng 3 của Quế Hằng:
CÔ ĐƠN 2
Cô đơn đến thế tái tê lòng
Mong bạn gọi hoài nổi bão dông
Một mái nhà đơn buồn sớm hạ
Đôi phên cửa vắng lạnh chiều đông
Thùng thư trắng bệch không khua khoắng
Điện thoại vàng khè chẳng kẻ trông
Lũ nhện góc màn giăng kín lối
Ngoài đường bọn trẻ rủ rê dong…

CÔ ĐƠN 2
Họa: Y vận của Ngô Thái:
Lẻ bóng thương ai… đến cháy lòng
Những mong bù đăp… cuộn trời dông
Đơn sơ mái ấm, vui đêm hạ
Giản dị giường êm, rộn sớm đông
Vắng bóng người thương chờ khắc khoải
Xa hình tri kỷ nhớ mòn trông
Ngõ sâu cỏ rậm ai người tới?
Phố rộn người đi vẻ thong dong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]