Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

CẢM NHÂN CỦA NHÀ THƠ NHÀ LÝ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HOC: MAI THANH

ĐỌC THƠ NGÔ THÁI – MAI THANH

Tôi đang có trên tay tập thơ “Thơ và bầu bạn” của Ngô Thái
(Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2012).
Quê hương Đất Tổ; nguyên là một đội viên, rồi là một cán bộ chỉ huy thanh niên xung phong; tiếp xúc với nhiều miền quê, nhiều con người, trải qua hơn nửa thế kỷ, thơ Ngô Thái như là bức họa muôn màu, cũng là tập tự sự về hiện thực cuộc đời đã đi qua. Như vậy, có thể nói được rất nhiều điều về thơ Ngô Thái.
Tuy nhiên, khi giới thiệu một tập thơ nào đó, tôi cố tìm ra những nét riêng của tập thơ ấy, chứ không đề cập tràn lan tất cả những gì có trong tập thơ, ngay cả những điều rất đáng được nêu lên - chẳng hạn, trong tập thơ này là về cuộc đời của người đội viên, người cán bộ thanh niên xung phong; về quê hương Đất Tổ; về Tổng Công ty Giấy Bãi Bằng . Những gì đáng lưu ý trong thơ Ngô Thái?
Về bạn, với bạn – đúng như tựa đề tập thơ ghi.Theo trình tự của tập thơ, ta thấy rõ điều đó.
Với Sĩ Tân, Ngô Thái đi Chợ Viềng; tặng N H và “Hẹn; với Diệu Thu là “Nửa nào…?”; tặng cháu Kim Chuyền “Ngời ánh gương”. Với Vũ Giang – người bạn thơ, bạn đời thân thiết, Ngô Thái có “Quê hương”:
Minh Nông…
Mùa gặt tôi về
Đường làng ngõ xóm bộn bề rạ rơm
Thoảng mùi gạo mới cơm thơm
Dẻo thơm giống lúa Nàng Hương quê nhà! Và để rồi, ở phần họa thơ, Vũ Giang có đến bốn bài thơ họa thơ Ngô Thái như “Đang độ trăng tròn”,”Tìm nhau mai hậu”, “Kỷ niệm tháng năm”. Và Bởi em màu tím” với lời thơ nồng nàn:
Nhớ nhành hoa tím thương yêu
Ngẩn ngơ trong dạ một chiều đầy vơi
Tím lòng tím cả mây trời
Gửi bông hoa tím một lời thủy chung.
Ngô Thái còn có thơ với nhiều bạn thơ khác nữa: Cúc Nguyễn, G7, Ngô Đức Tâm, Ngô Toàn Thắng (và được Ngô Toàn Thắng viết nhiều về anh ở phần giao lưu và bình luận thơ Ngô Thái), Thang Ngọc Pho, Phan Chúc, Mai Ngân, Bạch Thiên Hương, P.N và N. H, Phạm Huy Thông, Đinh Phạm Thái, Bành Thanh Bần, Off Mùa Thu 2012…
Qua đó, thấy rõ, thơ Ngô Thái thể hiện tính thân thiện và tình thân ái với bạn trên thơ và bạn trong đời thật bao la và sâu nặng.
2. Với tinh thần ấy, Ngô Thái có nhiều bài thơ như là chân dung các cô gái xinh đẹp.
Về hình thể:
Tuổi em đang độ trăng tròn
Vai trần đã vậy, yếm còn hẹp ngang!
Nước da trắng nõn mịn màng
Hồn căng sức trẻ…khuôn vàng thơ ngây
(Tuổi trăng tròn)
Hay:
Vô tình. Một khoảnh khắc thôi!
Em. Khuy áo ngực buông lơi chưa cài
Ửng hồng e lệ mắt nai
Tim anh loạn nhịp. Bởi ai hớp hồn?
(Khoảnh khắc)
Về tâm hồn:
Mới qua tuổi trăng tròn
Tâm hồn em trong trắng
Một tình yêu say đắm
“Lỡ nhịp” bởi chiến tranh
Bước qua tuổi xuân thì
Còn nét duyên con gái
Vị hương đời để lại
Vơi nỗi buồn cô đơn
(Hương đời)
Về điều này, thấy rõ Ngô Thái là một nhà hội họa say tìm cái đẹp, mà trong trường hợp ở đây là cái đẹp của người phụ nữ. Điều đó cắt nghĩa thêm về tình đời tình người thắm đẫm trong nhà thơ Ngô Thái.
3.Những gì ta đã nói về thơ Ngô Thái là cảm xúc trào dâng được bộc lộ về (và với) con người. Song hành với đó là nỗi niềm trầm lắng mà ít ai nhận ra ở nhà thơ. Ngô Thái thắp hương khấn vợ:
Anh thắp lên một nén hương trầm
Mong khói nhang gửi lòng anh thương nhớ
Vượt qua bờ âm dương cách trở:
“Vĩnh viễn trường tồn –Em Người Vợ Đảm Đang) (Nén hương trầm)
Đeo một nỗi buồn ở tuổi già, nhà thơ căn dặn các con hãy thông cảm với mình về những gì bất ổn sẽ xảy, rồi kết luận như là lời cầu xin kẻ hậu thế:
Hãy tiếp sức cho Cha những bước đường còn lại
Để Cha vui đi hết chặng đường đời
Cha yêu các con – một tình yêu bất tận
Thương các con – Cha nhắn gửi đôi lời!
(Tâm sự tuổi xế chiều)
Vậy đó, một tâm hồn thi ca phơi phới, xôn xao xen với nỗi niềm, trầm lắng được thể hiện khá chuẩn chỉnh và hấp dẫn. Là người làm thơ Đường luật, Ngô Thái sử dụng ngôn từ và vần luật khá mực thước, với các dạng thơ khác nhau: Thơ lục bát; thơ khổ với dòng ở mỗi bài có số chữ khác nhau; thơ tự do…phù hợp với ý tưởng thi ca của từng bài thơ nhất định.
Cảm ơn và chúc mừng nhà thơ Ngô Thái về tập “Thơ và bầu bạn”. Chúc nhà thơ giành được nhiều thành công hơn nữa trên con đường sáng tạo thi ca của mình.

Mai Thanh
Nguyên Giám đốc nhà XB Lao động
Nhà thơ – Nhà phê bình văn học

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]