Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

NGƯỜI ĐÀN BÀ THỨ 2

NGƯỜI ĐÀN BÀ THỨ 2
Phan thị Vĩnh Hà

Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con
Bởi trước con anh ấy là của mẹ
Anh ấy có thể yêu con một thời trai trẻ
Nhưng suốt đời anh ấy yêu mẹ, mẹ ơi!
Mẹ đã sinh ra anh ấy ở trên đời
Hình bóng mẹ lắng vào tim anh ấy
Dẫu bây giờ con được yêu đến vậy
Con cũng chỉ là người đàn bà thứ hai
Mẹ đừng buồn những hoàng hôn,những ban mai
Anh ấy có thể nhớ con hơn nhớ mẹ
Nhưng con chỉ là một cơn gió nhẹ
Mẹ luôn là bến bờ thương nhớ của đời anh
Con chỉ là một cơn mưa mong manh
Những người đàn bà khác có thể thay thế con trong tim anh ấy
Nhưng có một tình yêu trọn đời âm ỉ cháy
Anh ấy chỉ dành riêng cho mẹ mà thôi
Anh ấy có thể sống với con suốt đời
Nhưng có thể chia tay ngay ngày mai, có thể
Nhưng anh ấy suốt đời yêu mẹ
Dù thế nào con cũng chỉ là người thứ hai
________________________________

Em xin mở rộng thêm một chút là trong cùng tập thơ này (tập thơ "Mãi là người thứ hai"), Xuân Quỳnh cũng có một bài thơ có chủ đề tương tự nói về mẹ chồng. Xin post để các bạn tham khảo:

MẸ CỦA ANH

Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong

Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen

Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao

Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa

Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà

Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng

Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắc chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
_____________________________
www.nguoitoicuumang.com


THAM KHẢO THÊM


Bài thơ này được đăng trên báo Phụ nữ Việt Nam ngày 18 tháng 5 năm 1992, khi tác giả còn là sinh viên trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, và được trao Giải nhất Thơ sinh viên cụm 10, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Bài thơ đã được nhạc sĩ Xuân Phương phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Một số nơi chép nhầm tên tác giả là Phan Thị Vĩnh Hà hay Phan Vĩnh Hà.Bài thơ này đã được nhạc sĩ Xuân Phương phổ nhạc thành nhạc phẩm cùng tên.
Bài thơ: “Người Đàn bà thư hai “ của Phạm Thị Bích Hà (giáo viên Trường THCS Hùng Lô - Việt Trì) sáng tác khi đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Người thứ hai được trao giải Nhất Thơ Sinh viên cụm 10, quận Cầu Giấy, Hà Nội và được đăng báo Phụ nữ Việt Nam ngày 18/5/1992. Sau 17 năm, Người thứ hai sống lại khi trở thành bài hát trong phim Người đàn bà thứ hai. Nhưng đây cũng là lúc có ý kiến khen chê khác nhau về bài thơ.

Báo Phú Thọ, Tạp chí Văn nghệ đất Tổ đều có các bài giới thiệu đánh giá cao bài thơ Người thứ hai và tác giả Phạm Thị Vĩnh Hà. Nhà thơ Kim Dũng còn công phu tìm hiểu để chứng minh rằng Phạm Thị Vĩnh Hà mới là tác giả của bài thơ chứ không phải nhà thơ Xuân Quỳnh như một số người yêu thơ trên mạng “nhầm tưởng”. Xuân Quỳnh là tác giả bài thơ Mẹ của anh (kính tặng thân mẫu anh Lưu Quang Vũ) chứ không phải bài Người thứ hai. “Người ta có thể nhớ hoặc thuộc một câu, một bài thơ hay mà không nhớ tên tác giả của nó... Đấy chính là sức sống của những bài thơ hay đi cùng thời gian vào lòng công chúng, vào tâm hồn người yêu thơ” (Văn nghệ đất Tổ, tháng 5/2009, tr.43).
Trái lại, những ý kiến trên báo Văn nghệ (Nghĩ về việc đặt tên phim, số 19, tháng 5/2009 và Một sai số từ văn học đến điện ảnh, số 34, tháng 8/2009) còn bày tỏ những băn khoăn về nội dung bộ phim Người đàn bà thứ hai và bài thơ phổ nhạc nền cho phim. Một số ý kiến không tán thành cách gọi mẹ là người đàn bà thứ nhất, vợ là người đàn bà thứ hai.
Trên báo điện tử Tổ quốc gần đây, tác giả Ngô Kim Đỉnh cho rằng ngày sinh viên ngây thơ, tác giả sáng tác bài thơ với tình cảm trong sáng, chấp nhận được. Nhưng bây giờ, lên phụ huynh rồi mà cứ tung hô mãi thì thành ra những người tán dương thơ cũng khá là “bạo gan”. Một tình thơ say đắm yêu chồng đến độ... đặt tình cảm của mình (người vợ) lên cùng hàng giá trị với mẹ chồng là một so sánh không hợp đạo lý Việt Nam. Chưa khi nào, chưa bao giờ các nhà thơ lại so sánh bậc cha mẹ với ai cả. Cha mẹ chỉ có thể so với đất nước, quê hương, dòng sông, ngọn núi, cây cao bóng cả. Tình cảm với bậc cha mẹ là cao cả và linh thiêng. Dù cách hiểu khác nhau, nhưng ai cũng phải thống nhất rằng MẸ và VỢ là 2 phạm trù khác nhau, cũng như TÌNH MẪU TỬ khác với TÌNH YÊU TRAI GÁI. Có người lại bảo văn chương “tự cổ vô bằng cớ “ và văn chương “ý tại ngôn ngoại”. Sự so sánh có khập khiễng hay không nằm trong chính logic nội tại của bài thơ. Vì thế các bạn hãy đọc lại bài thơ một lần nữa để có những đánh giá riêng mình….
Nguồn Báo Mới.Com
(http://www.baomoi.com/rac-roi-nguoi-dan-ba-thu-hai/c/3423027.epi).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]