Chắc hẳn mỗi chúng ta, ai cũng trãi qua không ít mùa Giáng sinh rồi, nhưng nguồn gốc, những tục lệ về lễ Giáng sinh thì không phải ai cũng biết. Nhân mủa Noel về, xin chia sẽ một vài thông tin thú vị, để ta cảm thấy mình hiểu biết hơn và quan trọng là được sống trong không khí háo hức của mùa Noel năm nay.
Lễ Giáng sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh hay Nô-en (từ tiếng Pháp Noël, là viết tắt từ gốc Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta) là một ngày lễ quốc tế kỷ niệm ngày Chúa Giê-su sinh ra đời của phần lớn người Cơ Đốc giáo. Họ tin là Giê-su được sinh tại Bethlehem thuộc tỉnh Judea của Đế quốc La Mã.
Tại sao vào ngày lễ noel người ta lại trang trí cây Thông Noel?
Vào thế kỷ VII, nhà tu người Đức, Thánh Bonifacedax thuyết phục các tu sĩ của mình tại vùng Geismar rằng cây sồi không phải là 1 loài cây thiêng liêng. Ông đốn 1 cây sồi lớn, khi cây đổ, nó đè tan hết tất cả các cây cối xung quanh, trừ 1 cây sapin trẻ và tuyên bố sẽ gọi tên cây này là cây Chúa Hài đồng Jesus. Từ đó người ta trồng cây thông nhỏ để làm lễ Giáng sinh. Cây đó được gọi là Cây Noel lần đầu tại Alsace vào năm 1521. Năm 1560, những người theo đạo Tin Lành đã phát triển truyền thống này. Đến thế kỷ XIX, cây phát triển rất thịnh hành và đến nay, cây Noel là thứ không thể thiếu của mỗi dịp Giáng sinh.
Ông già noel cũng là hình ảnh bí ẩn
Ông già Noel là nhân vật đóng vai trò như là một nhân tố gắn liền với mùa Lễ Giáng Sinh, giống như cây thông Noel, hình ảnh tiêu biểu của các ông già Noel là một ông già mặc bộ đồ màu đỏ viền trắng với chòm râu trắng và hai hàng ria dài, bộ mặt hóm hỉnh, tiếng cười "hô hô hô", tồn tại trong nhiều văn hoá, đặc biệt ở các nước phương Tây. Từ đầu, người Hà Lan gọi Thánh Nicholas là Sinter Klass, sau này đọc thành Santa Claus. Trong tiếng Anh, Ông già Noel được gọi là Santa Claus (Thánh Nicolas), xuất phát từ truyền thuyết về một nhân vật có thật, sống ở thế kỷ thứ 4 tên là Nicolas. Tiếng Pháp gọi là Le Père Noel (nghĩa là Ông cha Noel) vì liên hệ nhiều đến lễ Noel. Còn trong tiếng Việt, do không hiểu rõ nguồn gốc, thấy hình ảnh cụ già râu tóc bạc phơ xuất hiện vào Noel thì gọi là Ông già Noel cho tiện. Nhiều khi còn được gọi là Ông già Tuyết.
Mọi người (đặc biệt là trẻ em) cho rằng Ông già Noel sống và làm việc ở Bắc Cực, nhiều bộ phim nổi tiếng của Hollywood như The Polar Express lại càng củng cố niềm tin thơ ngây này. Các quốc gia ở Bắc Âu như: Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Iceland đều tự nhận rằng, xưởng chế tạo đồ chơi của ông già Noel nằm ở quốc gia họ là nơi ông già Noel sinh sống. Tuy nhiên, Phần Lan lại một mực cho rằng nhà ở thực sự của ông già Noel là tại Greenland và cũng nhận ông già Noel về phần mình.
Ngày nay, người ta chấp nhận thông tin: Ông già Noel là hóa thân của Thánh Nicolas ở thành Myra, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều sử gia cho rằng, hình ảnh đầu tiên về Ông già Noel xuất hiện trong một bài thơ có tên: A visit from Saint Nicholas (Chuyến thăm của Thánh Nicholas) được xuất bản năm 1823. Còn hình ảnh một ông già phúc hậu, với một bộ râu trắng dài trong bộ đồ màu đỏ có viền trắng thì xuất hiện đầu tiên trên báo vào năm 1860 qua nét bút tưởng tượng của nghệ sỹ Thomas Nast.
Nói tóm lại, chúng ta cứ tạm coi là ông già noel đang hiện hữu mỗi mùa giáng sinh về, còn nguồn gốc thì không có ai xác định chính xác được.
Tại sao ngày 25 tháng 12 được chọn là ngày Giáng Sinh?
Theo những tài liệu liên quan tới ngày sinh nhật của Chúa Jesus, người ta thấy Chúa Jesus không phải sinh vào ngày 25 tháng 12 mà có thể vào tháng 4 hay tháng 5 và có lẽ trước đó 3 năm, cách đây khoảng 2000 năm. Tây lịch được tính theo năm đầu tiên sau khi Chúa sinh ra đời. Theo niên giám La Mã, Lễ Giáng Sinh đầu tiên được tổ chức ở La Mã vào năm 336 Tây Lịch Kỷ Nguyên. Tuy nhiên, ở miền đông đế quốc La Mã, một buổi lễ được tổ chức vào ngày 6 tháng giêng để kỷ niệm cho ngày sinh của Chúa Jesus. Cũng vào ngày 6 tháng giêng này ở Jerusalem thuộc Do Thái ( Israel ) người ta chỉ tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh nhật của Chúa mà thôi.
Mãi vào thế kỷ thứ IV, hầu hết các nhà thờ ở miền đông đế quốc La Mã mới chấp nhận tổ chức sinh nhật Chúa Jesus vào ngày 25 tháng 12. Trong lúc ấy ở Jerusalem , người ta vẫn chống đối việc tổ chức Lễ Giáng Sinh. Nhưng về sau này, Lễ Giáng Sinh lại được chấp nhận ở Jerusalem .
Những tục lệ cổ truyền về Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ sự trùng hợp ngày sinh của Chúa với những ngày lễ kỷ niệm về nông tang và mặt trời vào mùa đông (Winter Solstice) của những người không theo đạo Thiên Chúa. Ở La Mã, ngày 17 tháng 12 là ngày lễ Saturnalia để kỷ niệm thần Saturn. Đây là thời gian ăn chơi tưng bừng nhất và là dịp để mọi người trao đổi quà kỷ niệm. Ngày 25 tháng 12 cũng được coi là ngày sinh nhật của Thần Mithra, Thần Toàn Chân Thái Dương, thuộc xứ Ba Tư. Vào những dịp này người ta trang hoàng nhà cửa bằng cây lá xanh tươi và hoa đèn rực rỡ. Trẻ con và người nghèo được trao quà tặng.
Ở Việt Nam , Giáng Sinh trước đây vốn chỉ là ngày lễ của những người theo đạo Cơ Đốc Giáo, nhưng hiện tại đã là một ngày hội chung, thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25/12. Đêm 24 được coi là đêm Giáng Sinh. Trong những ngày này, cây thông Nô-en được trang trí ở nhiều nơi (thường là Thông ba lá hoặc Thông mã vĩ, Thông nhựa, không phải cây thông như ở các nước phương tây thường là họ Bách tán. Trên cây người ta thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường có những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng và các gói quà tượng trưng xinh xắn...
Tối ngày 24, mọi người thường kéo nhau ra đường chơi để hưởng thụ không khí của đêm giáng sinh tràn ngập trên các nẻo đường, chủ yếu là thanh niên tụ tập trên các tuyến đường hướng tới các nhà thờ - hướng tới Chúa…
Vâng, mùa đông tuy lạnh nhưng rất lãng mạn, nắng của mùa đông yếu nhưng đủ làm ấm trái tim một ai đó. Noel là dịp bạn và những người xung quanh tận hưởng những giây phút ngọt ngào của tình yêu thương. Đừng đóng chặt trái tim mình, hãy mở cửa trái tim để biết rằng giữa mùa đông mình vẫn thấy ấm áp. Nhân dịp Noel về, Xin chúc thầy, các bạn sinh viên, chúc những người đang yêu và sẽ yêu một noel tràn ngập tiếng cười, an lành và hạnh phúc!